Mua nền đất 1,1 tỉ đồng, giờ bán 800 triệu không ai hỏi, bài học “hốt cục nợ” cho nhà đầu tư lướt sóng vẫn còn nguyên vẹn khi cơn sốt đất đi qua

“Hốt cục nợ” ở đây được hiểu nôm na là: Trong cơn sốt đất, nhà đầu tư trước “lướt” (bán) nhanh được nền đất trước khi đất hạ nhiệt. Người mua sau mua vào bị nghẽn lại vì không thể bán ra. Người mua sau được xem là người “hốt của nợ” cho người mua trước.

Vào cuối tháng 3/2021, anh V (Quảng Xương, Thanh Hoá), mua lại nền đất của anh B với giá 1,1 tỉ đồng. Thời điểm mua là đất Thanh Hoá đang lên cơn sốt, giá tăng theo tuần, thậm chí theo ngày. Anh B là nhà đầu tư chuyên lướt BĐS trong cơn sốt đất. Trước khi bán cho anh V, nền đất này anh B mua của một nhà đầu tư khác với giá 800 triệu đồng, chỉ trong 1 tháng, anh B chào giá lên 1.1 tỉ đồng và có khách hỏi mua là anh V. Vì đang trong thời điểm đất sốt nên anh V nghĩ nền đất này còn có thể lên giá tiếp, mua vào dự tính sẽ bán chênh giá thêm vài trăm triệu nữa.

Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, đến khoảng giữa tháng 4/2021, đất Thanh Hoá bắt đầu “xì hơi”, nhà đầu tư các nơi tháo chạy, các nền đất chững giá hoặc xuống giá dần. Tuy vậy, anh V vẫn hi vọng mảnh đất của mình vẫn có thể bán chênh được khoảng 100 triệu đồng trước khi cơn sốt đất “tắt hẳn”. Thế nhưng, rao giá 1.2 tỉ đồng trong vòng 1 tháng không ai hỏi mua, anh V bắt đầu mất hi vọng.

Khi cơn sốt đất đã nguội hẳn vài tháng thì nền đất của anh V vẫn chưa bán được. Hiện tại, anh V rao bán mảnh đất với 800 triệu đồng để giải quyết việc tiền nong, nợ nần. Thế nhưng, dù rao bán lỗ đến 300 triệu đồng so với giá mua vào, anh V cũng khó tìm được khách mua ở thời điểm này.