Ngành phân bón: Câu chuyện dư cung và nhu cầu xuất khẩu urea

Thời gian gần đây, nguồn cung ure trên thế giới trở nên khan hiếm, giá cả tăng cao khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã tiến hành giảm/ngừng xuất khẩu để tập trung phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Thậm chí, có một vài ý kiến đề nghị nên đánh thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón urea để góp phần bình ổn giá…

Theo quan điểm chuyên gia trong chia sẻ mới đây, theo các số liệu nghiên cứu, đánh giá thì tình trạng khan hiếm này chỉ mang tính thời điểm nhất thời do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, khiến hoạt động sản xuất ở nhiều nước gặp khó khăn. Còn thực tế thì từ năm 2021-2025, tình trạng dư thừa công suất ở các các nhà máy urea là khá cao và cần thiết phải tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường để giảm áp lực sản xuất tiêu thụ.

Cụ thể, theo dự báo của Fertecon (Công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế), công suất các nhà máy sản xuất urea thế giới tiếp tục tăng trong giai đoạn 5 năm tới. Cụ thể, năm 2022 công suất đạt 229,3 triệu tấn (tăng 4% so với năm 2021); năm 2023 đạt 232,8 triệu tấn (tăng 2% so với năm 2022); giai đoạn từ 2024-2025, tốc độ tăng công suất ổn định với biên độ tăng 1% và đạt hơn 273 triệu tấn vào năm 2025.

Trong khi đó, mức độ sản xuất – tiêu thụ thì tăng chậm trong giai đoạn 2021-2025 ở mức 1%. Cụ thể, năm 2022, mức sản xuất – tiêu thụ đạt 181,2 triệu tấn (tăng 1% so với năm 2021); năm 2023 đạt 183,9 triệu tấn; năm 2025 dự báo đạt 189 triệu tấn. Có nghĩa là hàng năm, mức độ sản xuất thực tế chỉ đạt 79-81% so với công suất thiết kế và lượng dư thừa tuyệt đối giao động từ 42-49 triệu tấn/năm. Như vậy, tỷ lệ dư thừa công suất các nhà máy urea thế giới giao động từ 19-21% trong giai đoạn 2021-2025.

Tương tự tại khu vực Đông Nam Á cũng được dự báo xảy ra tình trạng dư thừa công suất các nhà máy urea là khá cao, với tỷ lệ từ 21-24%.

Ngành phân bón: Câu chuyện dư cung và nhu cầu xuất khẩu urea - Ảnh 1.